Gen Z phát sốt với sự quay trở lại của xu hướng Y2K
TPO - Quần cạp trễ, phụ kiện lấp lánh, túi kẹp nách... những item mang tính biểu tượng của phong cách Y2K quay trở lại với nhịp đập hiện đại được giới mộ điệu thời trang nhiệt tình săn đón
Không chỉ là thời trang, Y2K là cả "nền văn hóa"
Y2K (viết tắt của Year 2000) xuất hiện vào cuối những năm 90, đầu 2000. Thuật ngữ này từ thuở sơ khai đến từ giới công nghệ, được tạo ra bởi nhà lập trình viên David Eddy vào năm 1995. Vào những thập niên 1990, năm 2000, được nhìn nhận, đồn thổi như một sự cố, một thảm họa dẫn đến tận thế. Sự cố Y2K ấy tạo ra ảnh hưởng vô cùng rộng rãi lên mọi mặt đời sống, từ công nghệ, kiến trúc, nghệ thuật và đặc biệt là thời trang.
Hình thành và phát triển trong khoảng thời gian chuyển giao thời đại và bắt đầu thiên niên kỷ mới, phong cách thời trang Y2K là tổ hợp của nhiều phản ứng trái chiều trước dự báo tận thế: Văn hóa mua sắm tiêu dùng xa xỉ; tích trữ hàng hiệu; nắm bắt những điều tốt đẹp nhất của tương lai thông qua thời trang và tiêu dùng hằng ngày.
Những nhân vật có sức ảnh hưởng mang tính đại diện cho trào lưu này có thể kể đến Bratz, các ngôi sao nhạc pop như: Destiny Child, Beyoncé, Spice Girls, Britney Spears, Christina Aguilera… Đặc biệt xét đến địa hạt thời trang cao cấp không thể không nhắc đến John Galliano của Dior, Walter Van Beirendonck và Martin Margiela,...
Britney Spears |
Giới trẻ “phát sốt” với sự trở lại của xu hướng Y2K
Về sự trở lại của xu hướng này, có nhiều lý giải được đưa ra.
Bản chất của thời trang được nhận định là một vòng lặp, có tính chu kỳ. Sau 20-30 năm, các phong cách thời trang sẽ được tái sử dụng, trở thành xu hướng nền tảng, tạo cảm hứng cho mùa mốt mới.
COVID-19 được xem như một phiên bản nâng cấp của sự cố Y2K năm ấy, vì các nỗi lo, sự bất an ở hai thời điểm này tạo ra có tính tương đồng. Cũng chính bởi đại dịch, người trẻ dần đề cao hơn tính bền vững, bảo vệ môi trường trong thời trang. Với khả năng chi tiêu cho quần áo không “rủng rỉnh” thì xu hướng sử dụng hàng secondhand được người trẻ biết đến là lựa chọn hợp lý.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các nền tảng mua sắm đồ cũ cũng có cơ hội phát triển nhiều hơn.
Depop - ứng dụng mua sắm hàng hóa đã qua sử dụng hiện có hơn 15 triệu người dùng ở 147 quốc gia ghi nhận 90% người dùng dưới 26 tuổi, và khoảng ⅓ người dùng ở Vương quốc Anh từ 16-24 tuổi. “Y2K” đã trở thành hashtag phổ biển trên Depop, cho thấy sự trở lại của xu hướng đầu những năm 2000.